Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

Làng (truyện ngắn) – Wikipedia tiếng Việt



Làng là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của nhà văn Kim Lân viết về làng quê và những người dân quê Việt Nam [1]. Truyện ngắn này được sáng tác vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và được đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948. Tác phẩm được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa lớp 9 ở bậc trung học phổ thông.



Truyện kể về nhân vật ông Hai - một người nông dân yêu tha thiết làng Chợ Dầu của mình. Do chiến tranh xảy ra và do hoàn cảnh gia đình, ông phải cùng gia đình đi tản cư. Ở nơi đó ông Hai luôn khen làng mình với hàng xóm nơi tản cư. Xa làng, ông luôn nhớ làng da diết và muốn trở về. Ông vô cùng sung sướng khi nghe tin giặc bị thất bại nặng nề. Vui sướng chưa được bao lâu thì ông nghe tin làng chợ Dầu của ông bỏ làng theo Tây, ông vô cùng đau khổ, tủi nhục, căm uất, chỉ biết tâm sự với đứa con út, cả ngày không dám bước ra ngoài, sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ bị người ngoài nhòm ngó. Không chỉ ông buồn mà cả gia đình ông ai cũng buồn. Khi cùng đường, ông nhất định không quay về làng vì theo ông: "Không thể được! Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù". Sau đó, nhận được tin cải chính, làng Chợ Dầu vẫn kiên cường, bất khuất, ông đã rất vui mừng, hạnh phúc, đi khoe với mọi người rằng Tây đốt nhà mình cháy nhẵn. Hoàn cảnh đó cho ta hiểu được cuộc sống và tinh thần kháng chiến, đặc biệt là nét chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân. Đó là tình yêu làng gắn bó, thống nhất với tình yêu quê hương đất nước.











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét